Nhiều shop băn khoăn bán hàng online có phải nộp thuế không? Xu hướng bán hàng online ngày càng phổ biến, do nhu cầu mua hàng trực tuyến của khách hàng tăng mạnh. Đặc biệt với những shop có doanh thu hàng tháng cao thì càng thắc mắc về vấn đề này. Vậy thực tế quy định ra sao, hãy cùng đi tìm hiểu nhé.
Bán hàng online có phải nộp thuế hay không?
Theo quy định mới nhất, cá nhân kinh doanh có tổng doanh thu từ 100 triệu VND/năm trở lên có nghĩa vụ phải nộp thuế. Quy định nêu rõ bán hàng online là hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa theo hình thức trực tuyến.
Còn nếu doanh thu tính trong năm dương lịch từ 100 triệu VND trở xuống, người bán hàng online sẽ không phải nộp thuế TNCN và thuế GTGT. Ngoài ra còn được miễn lệ phí môn bài.
Danh sách các loại thuế cần nộp khi bán hàng online
Căn cứ pháp lý: Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài và Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế GTGT và thuế TNCN.
Có 3 loại thuế mà shop bán hàng online theo mô hình hộ kinh doanh cần nộp gồm lệ phí môn bài, thuế TNCN và thuế GTGT (VAT).
Lệ phí môn bài
Người bán hàng online sẽ nộp lệ phí môn bài định kỳ mỗi năm. Lệ phí môn bài được tính dựa trên doanh thu hàng năm. Shop online có doanh thu hàng năm từ 100 triệu trở lên phải nộp lệ phí môn bài từ 300.000 – 1.000.000 đồng. Chi tiết về mức lệ phí môn bài như sau:
Căn cứ tính thuế môn bài | Mức thuế môn bài cần nộp |
Doanh thu trên 500 triệu VND/năm | 1.000.000 VND/năm |
Doanh thu trên 300 – 500 triệu VND/năm | 500.000 VND/năm |
Doanh thu trên 100 – 300 triệu VND/năm | 300.000 VND/năm |
Chú ý:
Cửa hàng bán hàng online sẽ được miễn lệ phí môn bài trong các trường hợp sau: năm đầu thành lập hộ kinh doanh hoặc có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng (VAT – Value Added Tax) là khoản thuế được tính dựa trên giá trị tăng thêm của dịch vụ/hàng hoá phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông và vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng theo quy định mà người bán hàng online cần đóng là 1%.
Ví dụ: nếu doanh thu từ hoạt động bán hàng online của shop là 150.000.000 đồng/năm. Người bán hàng online phải đóng thuế giá trị gia tăng tương đương với số tiền là: 150.000.000 x 1% = 1.500.000 đồng.
Thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân (Personal Income Tax) là khoản thuế trực thu mà những người có thu nhập cao phải nộp dựa vào tiền lương hay nguồn thu khác. Hiện nay, shop online cần đóng tiền thuế thu nhập cá nhân với tỷ lệ là 0,5%.
Ví dụ: nếu doanh thu từ hoạt động bán hàng online của shop là 250.000.000 đồng/năm. Khoản tiền thuế thu nhập cá nhân mà bạn phải nộp vào ngân sách nhà nước là: 250.000.000 x 0,5% = 1.250.000 đồng.
Cơ quan chức năng quản lý thuế với cá nhân kinh doanh online ra sao?
Định hướng chung của cơ quan thuế là yêu cầu người kinh doanh online trên mạng xã hội cung cấp các thông tin gồm tên, số điện thoại, địa chỉ, mã số thuế cá nhân, tài khoản ngân hàng liên kết… để có thể kiểm soát chặt chẽ hơn hình thức kinh doanh này.
- Trường hợp cá nhân kinh doanh có địa điểm cố định giao dịch với khách hàng và việc quảng cáo trên mạng xã hội online chỉ là một trong những hình thức mở rộng tệp khách hàng: cập nhật thông tin về giao dịch trên mạng của cơ sở kinh doanh, để làm cơ sở điều chỉnh tăng doanh thu kinh doanh nếu phù hợp.
- Trường hợp cá nhân kinh doanh không có địa chỉ cố định để giao dịch với khách hàng, chỉ có địa chỉ online trên mạng và số tài khoản cá nhân, bán hàng theo hình thức giao hàng tận nơi: cơ quan thuế cần phối hợp với các nhà mạng để xác định danh tính cá nhân, phương thức giao hàng, số tài khoản ngân hàng. Nhằm yêu cầu cá nhân khai thuế theo từng lần phát sinh theo quy định của pháp luật.
- Với tổ chức, cá nhân nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) kinh doanh thương mại điện tử có thu nhập phát sinh ở Việt Nam: nếu người mua hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ là các hợp tác xã, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam thì người mua hàng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế nhà thầu để nộp thuế theo quy định pháp luật.
- Còn trường hợp người mua hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ là các tổ chức, cá nhân khác thì nhà thầu nước ngoài cần phải kê khai, nộp thuế nhà thầu đối với dịch vụ, hàng hóa cung cấp. Trường hợp nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam thì có thể thông qua các đại lý thuế để kê khai và nộp thuế.
Mức phạt chậm nộp thuế đối với cá nhân bán hàng online, doanh nghiệp, HKD
Trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp chậm nộp thuế sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tiền tùy theo thời gian chậm nộp, cụ thể như sau:
Thời gian chậm nộp | Mức phạt |
Từ 1 – 5 ngày | Phạt cảnh cáo |
Từ 1 – 30 ngày | 2.000.000 đồng – 5.000.000 đồng |
Từ 31 – 60 ngày | 5.000.000 đồng – 8.000.000 đồng |
Từ 61 – 90 ngày | 8.000.000 đồng – 15.000.000 đồng |
Trên 90 ngày (tính từ ngày hết hạn hồ sơ) | 15.000.000 đồng – 25.000.000 đồng |
Lưu ý: Đối với cá nhân kinh doanh bán hàng online chậm nộp thuế thì mức phạt sẽ bằng 50% mức phạt ở trên.
Kết luận
Hy vọng qua bài viết này, các shop đã hiểu rõ bán hàng online có phải nộp thuế không. Trang website alovieclamonline.com luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn trong việc cập nhật các thông tin có liên quan và hữu ích nhất.